Cách xử lý những lỗi thường gặp khi sử dụng máy xay sinh tố

Máy xay sinh tố là trợ thủ đắc lực thường được sử dụng trong nhà bếp. Nó có thể đáp ứng được nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Khi sử dụng máy xay sinh tố thường sẽ gặp các sự cố phát sinh và bạn chưa biết cách giải quyết. Vì vậy, qua bài viết này Elmich Việt Nam sẽ hướng dẫn cho bạn cách xử lý các lỗi thường gặp khi sử dụng máy xay sinh tố, cùng theo dõi nhé!
Máy xay sinh tố hoạt động như thế nào?
Đây là một thiết bị điện được dùng để xay, nghiền các loại thực phẩm như rau, củ, quả, thịt, cá, các loại hạt,… Máy hoạt động dựa trên nguồn điện trực tiếp, công suất tiêu thụ chủ yếu là từ 350W đến 650W. Bên cạnh đó, có nhiều loại có công suất tiêu thụ lớn có thể từ 1000W đến 2000W. Với công suất như vậy, việc chuẩn bị nguyên liệu sẽ đơn giản và tiết kiệm thời gian hơn. Cấu tạo của máy xay sinh tố chủ yếu có 3 phần chính, các bộ phận này đều quan trọng như nhau:
- Đầu tiên là cối xay, đây là vật dụng dùng để đựng nguyên liệu, thường được làm bằng nhựa chống vỡ hoặc thủy tinh.
- Lưỡi dao được gắn liền với cối xay hoặc có thể tháo rời để vệ sinh và thay thế. Lưỡi dao thường được làm từ thép không gỉ hoặc titan, có cấu tạo từ 4 đến 6 cánh.
- Cuối cùng là thân máy, đây là phần chứa động cơ và bảng điều khiển. Thân máy và cối xay liên kết với nhau bằng hệ thống bánh răng và có các khớp nối để lắp khớp và tháo ra dễ dàng.
Hình 1: Cấu tạo của máy xay sinh tố cổ điển
Nguyên lý hoạt động của máy xay sinh tố khá là đơn giản. Khi có nguồn điện và nhấn nút khởi động máy, các động cơ điện sẽ hoạt động và truyền tới lưỡi dao qua bánh răng. Lúc này, các lưỡi dao quay mạnh và nhanh để nghiền nhuyễn thực phẩm. Máy có thể tùy chỉnh chế độ xoay nhanh, chậm hay chế độ nhào lộn.
Cách xử lý các lỗi thường gặp
Sau đây là những lỗi thường gặp khi sử dụng máy xay sinh tố. Elmich sẽ đưa ra hướng giải quyết giúp bạn có thể sửa chữa tại nhà và tiết kiệm chi phí.
Nút bấm điều khiển máy bị kẹt
Các nút bấm điều khiển của máy xay bị kẹt có thể là do các tiếp điểm trên nút bấm bị mòn, oxy hóa và dính lại với nhau sau một thời gian sử dụng. Ngoài ra, nếu bạn bấm hai nút cùng một lúc cũng làm cho các nút bấm bị kẹt cứng.
Trong trường hợp này, bạn nên ngắt nguồn điện và nhấn nhẹ từng nút bấm để nó trở về vị trí ban đầu. Khi bạn đã thử nhấn nhẹ nhưng nút bấm vẫn không hoạt động, bạn có thể tháo bộ phận nút bấm, kiểm tra các tiếp điểm và xử lý tạm thời bằng chất tẩy RP7. Bên cạnh đó, bạn có thể liên hệ với trung tâm bảo hành để kiểm tra và khắc phục dứt điểm tình trạng này.
Thời gian xay nhuyễn lâu
Bạn mất nhiều thời gian để xay nhuyễn thực phẩm, có thể là do bạn chưa cắt nhỏ trước khi xay hay là bạn xay quá nhiều loại thực phẩm cùng lúc. Ngoài ra, nguyên nhân có thể do bạn sử dụng cối xay chưa phù hợp với loại thực phẩm đó hay lưỡi dao máy xay đã bị mòn.
Hình 2: Lỗi thường gặp khi sử dụng máy xay sinh tố là thời gian xay nhuyễn lâu
Trước khi xay, bạn cần cắt nhỏ thực phẩm và hạn chế xay nhiều loại cùng lúc. Bạn phải kiểm tra xem đã dùng đúng cối xay cho loại thực phẩm đó chưa, nếu đúng thì kiểm tra tình trạng lưỡi dao. Bạn có thể mài lưỡi dao cho sắc hoặc thay lưỡi dao mới.
Máy có mùi khét sau khi vừa chạy xong
Trường hợp này chắc hẳn ai sử dụng máy xay sinh tố cũng sẽ gặp. Máy xay sinh tố sử dụng động cơ điện không đồng bộ 1 pha rotor dây quấn. Với thiết kế dùng chổi than để dẫn điện vào rotor vì vậy sẽ tạo ra tia lửa điện. Khi máy vận hành tia lửa điện kết hợp cùng với nhiệt độ cao của động cơ tạo ra mùi khét. Để tránh lỗi này, bạn nên chú ý đọc hướng dẫn sử dụng và không nên cho máy hoạt động liên tục trong thời gian dài.
Lưỡi dao máy xay sinh tố không hoạt động
Khi bạn đã ghim nguồn điện và động cơ máy có hoạt động, nhưng lưỡi dao của máy không chạy. Nguyên nhân có thể là do các bánh răng bị mòn qua quá trình sử dụng dài, bị gãy do rơi vỡ. Ngoài ra, khi bạn xay với tốc độ quá nhanh khi mới bắt đầu cũng gây ra tình trạng này.
Hình 3: Lưỡi dao máy xay không hoạt động
Để giảm thiểu tình, bạn nên chú ý làm sạch bụi bẩn trên bánh răng máy xay sau mỗi lần sử dụng. Khi mới cho máy bắt đầu chạy bạn nên bật chế độ xay chậm, sau đó mới tăng dần tốc độ. Khi bánh răng bị mòn hay gãy thì cần phải thay bộ bánh răng mới để sử dụng.
Đã bấm nút điều khiển nhưng máy không hoạt động
Đây là tình trạng thường gặp khi máy xay đã cũ và được sử dụng trong một thời gian dài. Máy không hoạt động có thể là do đứt dây nguồn, rơ le nhiệt bị hỏng, chổi than bị mòn, động cơ bị kẹt, vỡ nhông máy. Các trường hợp này, chúng ta cần phải thay thế các bộ phận đã bị hư hỏng, tốt nhất nên liên hệ trung tâm bảo hành để sửa chữa.
Ngoài ra, nguyên nhân có thể do bạn chưa lắp khớp các bộ phận với nhau. Bạn cần xem kỹ hướng dẫn lắp đặt sản phẩm kèm theo máy. Khi đã kiểm tra đúng khớp nhưng máy vẫn không hoạt động bạn có thể kiểm tra nguồn điện kết nối với máy.
Máy xay sinh tố tự động ngắt trong khi đang hoạt động
Tình trạng này có thể do máy bị quá tải và bị ngắt tự động qua rơ le ngắt nhiệt. Khi máy gặp tình trạng hoạt động quá công suất, rơ le ngắt nhiệt sẽ ngắt nguồn điện vào máy để tránh tình trạng cháy nổ. Bạn chỉ cần chờ đến khi động cơ nguội thì máy sẽ hoạt động bình thường trở lại. Chú ý, mỗi lần sử dụng máy xay sinh tố bạn cần để tốc độ xay phù hợp và tránh xay lâu hoặc xay tốc độ cao.
Hình 4: Máy xay sinh tố tự động ngắt khi đang hoạt động
Trong khi xay máy bị kẹt lưỡi dao, gây tiếng ồn lớn
Nguyên nhân thường gặp của tình trạng này là do bạn cho quá nhiều thực phẩm vào cối xay cùng lúc. Để xử lý tình trạng này, bạn nên lưu ý xay lượng thực phẩm phù hợp và nên xay từng loại trước khi trộn lẫn với nhau.
Hay bạn đang để thực phẩm quá dài và nó bị quấn quanh lưỡi dao gây kẹt cứng. Trước khi gỡ thực phẩm quấn quanh lưỡi dao bạn cần chú ý ngắt nguồn điện và có thể đeo găng tay bảo hộ tránh gây đứt tay.
Những lưu ý khi sử dụng máy xay sinh tố giúp tăng tuổi thọ sản phẩm
Bạn nên ghi nhớ những lưu ý sau để sử dụng máy xay sinh tố hiệu quả, giúp sản phẩm bền lâu hơn.
Không dùng các vật liệu kim loại để vệ sinh cối xay
Những vật liệu chà rửa bằng kim loại có thể gây xước thân máy, lâu dần sẽ tích tụ thức ăn tại đó gây mất thẩm mỹ. Đồng thời, khi đó cũng tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, sinh sôi.
Chú ý dung tích khi xay và thời gian hoạt động máy
Bạn chỉ nên cho nguyên liệu và nước tối đa 2/3 dung lượng của cối xay. Bên cạnh đó, chú ý mỗi lần xay không nên cho máy chạy quá 3 phút. Nếu bạn muốn thực phẩm nhuyễn hơn nữa thì nên đợi 2 phút sau hãy cho máy chạy tiếp.
Hình 5: Chỉ nên cho nguyên liệu và nước tối đa 2/3 dung tích cối xay
Cắt nhỏ thực phẩm trước khi đem xay và rửa máy sau khi sử dụng
Khi bạn cắt nhỏ thực phẩm trước khi xay giúp tiết kiệm tối đa thời gian xay và tiết kiệm điện. Đồng thời, nên rửa sạch cối xay ngay khi vừa sử dụng xong, tránh tình trạng đọng vết bẩn vào kẽ máy gây mùi khó chịu.
Kết luận
Bài viết trên, Elmich Việt Nam đã chia sẻ cho bạn các cách khắc phục lỗi thường gặp khi sử dụng máy xay sinh tố. Hy vọng chúng hữu ích giúp bạn có thể tự giải quyết và xử lý ngay tại nhà. Nếu bạn thấy hay hãy lưu lại và chia sẻ chúng với mọi người nhé!